English (UK)Vietnamese (VN)

chat gscvn facebook icon YouTube icon sitemap gscvn 

DỊCH VỤ LOGISTICS HƯỚNG TỚI AEC 2015 CỦA CÁC NƯỚC ASEAN

1- Lộ trình hội nhập dịch vụ logistics của ASEAN

Để đạt đến mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung như trong Đề cương xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN rất chú trọng đến việc phát triển logistics trong khu vực.

hoi nhap logistics asean

Với vai trò xuyên suốt trong toàn bộ quá trình nhập nguyên vật liệu làm đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa, đưa hàng hóa vào các kênh lưu thông và phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng, logistics được coi là xương sống của hoạt động thương mại quốc tế, và hội nhập dịch vụ logistics được kỳ vọng sẽ là phương tiện để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình liên kết giữa các ngành sản xuất trong nội bộ từng quốc gia thành viên cũng như giữa các nước ASEAN với nhau khi thực hiện AEC vào ngày 31/12/2015.

Tháng 12/2006, ASEAN đã quyết định chọn logistics là ngành ưu tiên hội nhập nhanh thứ 12 trong ASEAN và giao nhiệm vụ cho các quan chức kinh tế cấp cao ASEAN xây dựng một lộ trình cụ thể để tự do hóa dịch vụ logistics trong ASEAN. Năm 2007, ASEAN ban hành Nghị định thư ASEAN về hội nhập ngành logistics và Nghị định thư sửa đổi Điều 3 của Hiệp định khung ASEAN về các lĩnh vực ưu tiên hội nhập, đánh dấu việc hoàn tất đàm phán lộ trình này và chuyển sang giai đoạn thực hiện. Việt Nam với vai trò là điều phối viên.

Lộ trình hội nhập dịch vụ logistics của ASEAN đưa ra yêu cầu về thời hạn đối với các nước thành viên về việc tự do hóa một cách đáng kể 11 phân ngành dịch vụ logistics. Lộ trình quy định:

* Các ngành dịch vụ logistics cụ thể mà các nước thành viên cần tiến hành tự do hoá một cách đáng kể:

- Dịch vụ xếp dỡ hàng hoá bằng đường biển, dịch vụ lưu kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ bổ trợ khác (thay mặt chủ hàng), dịch vụ chuyển phát bưu điện, dịch vụ đóng gói, và dịch vụ khai thuê hải quan.

- Dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường biển (trừ vận tải nội địa), dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường không, dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường sắt và dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường bộ.

Về thời gian hoàn thành việc tự do hoá các dịch vụ này, Lộ trình quy định là đến năm 2013, trừ dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường không (các nước ASEAN đang thực hiện thông qua các thoả thuận đã ký kết và kết thúc vào 2008), còn đối với dịch vụ vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường sắt và đường bộ, lộ trình tự do hoá từng bước bắt đầu vào năm 2008.

* Các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ logistics ASEAN thông qua việc tạo thuận lợi cho thương mại (bao gồm cả việc đơn giản hoá chứng từ) và cho logistics (về giao thông vận tải):

- Tạo thuận lợi cho thương mại và hải quan: gồm có 17 biện pháp chi tiết, đặt dưới sự giám sát thực hiện của Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp (STOM), Hội nghị các quan chức cao cấp về viễn thông (TELSOM), hoặc các ủy ban chức năng của ASEAN như Ủy ban điều phối về hải quan (CCC), Ủy ban điều phối về dịch vụ (CCS).

- Tạo thuận lợi cho logistics:

+ Tăng cường minh bạch hoá các quy định trong nước về logistics bằng cách công bố đúng lúc các quy định về đầu tư, các tiêu chí cấp phép, các quyết định cấp phép của Chính phủ và có thể tạo thuận lợi cho việc lấy ý kiến của khu vực tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách;

+ Hoàn thành việc đàm phán và ký kết Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải xuyên quốc gia;

+ Thực hiện Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh và Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức, xúc tiến có hiệu quả việc vận chuyển hàng hoá từ cửa đến cửa và tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới;

+ Cải thiện kết cấu hạ tầng mạng lưới vận tải trên bộ và các dịch vụ nhằm đạt được sự kết nối với nhau tốt hơn, liên thông hoạt động và liên kết các phương thức vận tải với các cửa ngõ vận tải hàng không, hàng hải của quốc gia, khu vực và thế giới;

+ Tăng cường các dịch vụ vận tải biển trong khu vực ASEAN;

+ Tạo dựng môi trường chính sách có hiệu quả nhằm tăng cường việc tham gia của khu vực tư nhân và/hoặc hợp tác công – tư trong việc phát triển kết cấu hạ tầng logistics cũng như việc cung cấp và kinh doanh các phương tiện và dịch vụ logistics vận tải;

+ Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các thể nhân cung cấp các dịch vụ logistics có liên quan.

+ Nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics ASEAN:

+ Áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong việc cung cấp dịch vụ logistics và hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành logistics, kể cả hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

+ Thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm giúp đỡ các nước CLMV đặc biệt kém phát triển nhất;

+ Phát triển và nâng cấp cơ sở dữ liệu ASEAN về các nhà cung cấp dịch vụ logistics nhằm phát triển các hoạt động kết nối.

+ Phát triển nguồn nhân lực:

. Phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng năng lực thông qua các cuộc hội thảo và đào tạo chung;

. Khuyến khích việc xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ năng lực chuyên môn cấp quốc gia;

. Khuyến khích việc xây dựng một chương trình cơ bản chung ASEAN cho việc quản lý logistics;

. Khuyến khích việc thành lập trung tâm đào tạo quốc gia/tiểu khu vực về logistics.

+Tăng cường kết cấu hạ tầng vận tải đa phương thức và đầu tư:

- Xác định và phát triển mạng lưới hành lang logistics vận tải, đề ra các yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng cần thiết nhằm hỗ trợ việc cải thiện kết cấu hạ tầng mạng lưới vận tải nội địa và liên kết giữa các phương thức vận tải; kết nối kết cấu hạ tầng vận tải nội địa với vận tải biển, qua đó cải thiện sự liên kết giữa các cửa ngõ logistics của ASEAN;

- Xúc tiến việc sử dụng các thuật ngữ và các thực tiễn liên quan tới vận tải đa phương thức, trong đó có INCOTERMS (ASEAN Secretariat, 2007 C).

Việc thực hiện có hiệu quả Lộ trình hội nhập logistics với những biện pháp cụ thể trên đây sẽ giúp ngành dịch vụ logistics tại các nước ASEAN theo kịp các nước phát triển, xây dựng ASEAN thành một trung tâm dịch vụ logistics toàn cầu, thúc đẩy việc hình thành AEC vào năm 2015. Trong khuôn khổ hợp tác về kinh tế ASEAN hướng đến AEC 2015, bản Đề cương xây dựng AEC chỉ rõ: đối với dịch vụ logistics, các thành viên ASEAN phải quy định tỷ lệ góp vốn tối đa trong liên doanh của các nhà đầu tư nước ngoài không thấp hơn 49% năm 2008, 51% năm 2010, và 70% năm 2013.Tuy nhiên đến nay (đầu năm 2015), các nước ASEAN vẫn chưa đạt được chỉ tiêu này.

 

2- Cơ hội và thách thức:

- Hội nhập dịch vụ logistics hướng tới AEC 2015 của các nước ASEAN sẽ tạo ra các áp lực cho doanh nghiệp logistics nước ta: Áp lực cạnh tranh về logistics giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và Áp lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

- Tuy nhiên cũng tạo ra các cơ hội: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics, như Hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động logistics; Hoàn thiện hoạt động hải quan;Nâng cao kiến thức chuyên môn cho các cán bộ quản lý trong ngành logistics tại Việt Nam.Cơ hội phát triển kết cấu hạ tầng cho logistics tại Việt Nam; Cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam.Và Cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động logistics đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam.

TỪ GÓC ĐỘ DOANH NGHIỆP: AEC sẽ tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành; Hợp tác với các doanh nghiệp logistics nước ngoài; Mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp; Tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt trong việc cung cấp dịch vụ logistics,và Đẩy mạnh các hoạt động marketing.

Hiện nay, 62,5% Hội viên VLA có thị trường hoạt động là các nước ASEAN.

Nguồn: Ban thư ký ASEAN

             Khóa luận tốt nghiệp đại học - Ngô Ngân Giang

           VLA

              

                                                   ----------------